Đời sống

Người thầy truyền cảm hứng giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống

1 nhóm người họ bị mù mà trong đó có 1 người còn 1 con mắt. Người còn mắt có 1 trách nhiệm rất đặc biệt để chăm sóc những người bị mù. Có lẽ duyên nợ con người đã kết nối để anh Nam giúp cho mọi người đặc biệt là người khuyết tật có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Khi anh Nam mới vừa 1 tuổi, một trận sốt virus đã khiến cho chân của anh bị teo cơ co rút. Từ sau trận ốm, dù vẫn đi lại được, nhưng một chân của anh đã không còn đứng thẳng.

Tuy vậy, may mắn khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học giữa Thủ đô, anh Nam được gia đình quan tâm, đối xử bình đẳng và tạo điều kiện tốt nhất cho việc học. Vì vậy, từ khi còn nhỏ đến khi đi học hết THPT, anh chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay nghĩ rằng mình là người khuyết tật.

Bước ra trường đời, anh Nam quyết định theo đuổi nghiệp mỹ thuật. Với công việc này, anh không những nuôi sống được bản thân mà còn có được những thành công nhất định. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi và có lẽ cuộc sống của anh sẽ tiếp tục chẳng có gì khác biệt so với những người bình thường, những người không khuyết tật nếu không có những điều tác động làm anh thay đổi.

Đầu năm 2009, khi được mời tham gia một chương trình mit-tinh dành cho người khuyết tật tại Hà Nội, các thành viên trong BTC đã đề nghị anh Nam với vai trò là người khuyết tật hãy giúp đỡ những thành viên khác trong cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn. Và phản ứng đầu tiên của anh khi đó là… từ chối.

Anh Nam nghĩ rằng mình không thuộc về cộng đồng người khuyết tật. Anh cho rằng anh là một người hết sức bình thường, có thể tự lo và chăm sóc tốt cho bản thân. Hơn hết, anh không muốn bị gán mác là người khuyết tật.

Nhưng chính buổi mit-tinh này đã làm anh thay đổi. Tại chương trình, anh nhận thấy rằng không phải người khuyết tật nào cũng tự tin trong cuộc sống như anh. Những mặc cảm, tự ti này này đến từ những áp đặt, rào cản mà họ gặp phải trong gia đình, xã hội. Quan sát này đã khiến anh Nam quyết tâm phải làm gì đó để cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

Người thầy truyền cảm hứng giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống

Anh Nam hỗ trợ các chị em phụ nữ khuyết tật trong chương trình “Vươn lên mạnh mẽ”

Anh là Uỷ viên thường trực Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ tịch người khuyết tật thị xã Sơn Tây 

Từ sau khi thành lập hội, anh bắt đầu tìm kiếm, nắm bắt tất cả những cơ hội, kiến thức, kĩ năng để hỗ trợ người khuyết tật. Với những nỗ lực đó, trong rất nhiều ứng cử viên trên khắp Việt Nam, anh được tổ chức Christian Blind Mission – CBM (Đức) chọn lựa để đào tạo thành một chuyên gia về lĩnh vực NKT.

Sau đó, anh cũng liên tiếp được nhiều tổ chức khác cả trong và ngoài nước chọn cho đi học về từng lĩnh vực chuyên sâu như truyền thông, rủi ro thiên tai… trong hỗ trợ người khuyết tật.

Từ những công việc đầu tiên khi về nước như đồng hành với người khuyết tật trong việc tư vấn hướng dẫn cho đội ngũ y tá, bác sỹ ở các bệnh viện về kỹ năng khám chữa bệnh cho người khuyết tật khi họ đã gặp vẫn đề về thể chất lại gặp tình trạng cần chăm sóc sức khỏe, sau này anh Nam đảm nhiệm ngày càng nhiều công việc trong công tác hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật.

Hỗ trợ người khuyết tật là một công việc không hề đơn giản. Người khuyết tật gặp nhiều rào cản và trở ngại trong công việc và cuộc sống: rào cản thể chất, rào cản tâm lý, rào cản pháp lý, rào cản kiến thức, kỹ năng và rào cản về gia đình, xã hội.

Trong 15 năm hoạt động Hội, anh Nam đã đồng hành cùng cộng đồng trong việc giải quyết hầu hết các khía cạnh của vấn đề đó.

Cũng như hầu hết tất cả những người làm công tác xã hội khác, một trong những hoạt động cơ bản nhất mà anh Nam thực hiện là hoạt động từ thiện. Những hoạt động này thường hướng tới tạo một phần sinh kế cho người khuyết tật hoặc cung cấp những điều kiện cơ bản cho cuộc sống của người khuyết tật.

Người thầy truyền cảm hứng giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống

Anh Nam tham gia nhiều hoạt động tham vấn, hỗ trợ, hướng nghiệp cho người khuyết tật

Cụ thể, anh Nam đã thành công kêu gọi cộng đồng hỗ trợ được những khoản tài trợ có giá trị hàng trăm triệu đồng từ nhu yếu phẩm thiết yếu cho anh chị em người khuyết tật trong đại dịch Covid-19, cho đến những thiết bị hỗ trợ (như giường y tế, xe lăn), đồ dùng gia đình (tivi-lò vi sóng-quạt-xe đạp) và cả tiền mặt trong những trường hợp khẩn cấp.

Tuy vậy, theo anh, đây là hoạt động cần thiết nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Vấn đề lớn nhất của người khuyết tật không phải là kế sinh nhai mà là mong muốn được tiếp cận nhu cầu của đời sống một cách bình đẳng, có khả năng đóng góp cho cộng đồng, xã hội, trở thành người có ích.

Những điều đó đòi hỏi công tác hỗ trợ người khuyết tật phải đi sâu và đi xa hơn rất nhiều. Để hỗ trợ người khuyết tật có thể tiếp cận những nhu cầu đời sống tốt hơn, đầu tiên anh Nam tập trung vào hoạt động y tế.

“Người khuyết tật ấy mà, họ giống như những cỗ máy bị hỏng cần sửa chữa. Ra vào bệnh viện suốt”, anh Nam lạc quan tếu về hoàn cảnh của mình và những người cùng cảnh ngộ.

Người thầy truyền cảm hứng giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống

Anh Trần Quốc Nam trong một buổi tập huấn kiến thức về người khyết tật

Cùng với đó là những khóa huấn luyện nghề nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Những cuộc giải cứu người khuyết tật khỏi hoàn cảnh sống kém, bị bạo hành…

Và những cố gắng đó rồi cũng đã có thành quả. Sau gần 15 năm làm việc với người khuyết tật, anh Nam cùng với các tổ chức trong và ngoài nước đã tư vấn hoạt động hỗ trợ thành lập thành công hầu hết hội người khuyết tật ở các tỉnh thành, đem lại công ăn việc làm và niềm hi vọng cho hàng ngàn người lao động khuyết tật.

Với số lượng hội người khuyết tật ở các tuyến cơ sở được nhân lên, người khuyết tật ở các địa phương nhiều vùng miền trên cả nước đã có chỗ để sinh hoạt. Đây cũng là những tổ chức góp phần bảo vệ quyền lợi, tạo cơ hội việc làm và trao quyền cho người khuyết tật…

Đó là những điều mà anh Nam đã làm trong suốt những năm qua. Với những đóng góp không ngừng của mình, anh Nam đã đạt được nhiều danh hiệu đáng quý: nhận giấy khen “Công dân ưu tú- gương người tốt- việc tốt” của UBND thành phố Hà Nội, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ lao động TBXH vì thành tích vượt khó trong lao động học tập, Kỷ niệm chương của Liên hiệp hội NKT Việt Nam về thành tích Đóng góp xuát sắc cho sự nghiệp vì hạnh phúc cho người khuyết tật, giấy khen của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác…

Người thầy truyền cảm hứng giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống

Anh Nam tham gia một buổi giảng dạy, đào tạo hòa nhập cho trẻ em khuyết tật

Trẻ khuyết tật thuộc nhóm rối loạn phát triển. Những đứa trẻ này sẽ bị hạn chế phát triển các kỹ năng sống và nhận thức. Những đứa trẻ này sẽ khó có thể tự thực hiện một số hoạt động sống đơn giản. Vì vậy chúng ta cần quan tâm đến những kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật để trẻ có thể hòa hợp với cộng đồng. Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em vô cùng quan trọng. Anh đã đưa ra được những phương pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật phù hợp. Nhằm mục đích giáo dục trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng. Học sinh khuyết tật cũng có quyền được hưởng các quyền chăm sóc và giáo dục bình đẳng như bao người khác. Công việc của anh thì vô cùng là nhiều, tôi hiểu mỗi việc anh làm đều chất chứa bao tâm tư, bao nỗ lực, sự kiên nhẫn nhưng trên hết là vì người khác. Anh là người truyền cảm hứng để giúp nhiều người quan trọng nhất là các em nhỏ tự tin hướng về phía trước. Bi kịch cần được tận dụng như là nguồn sức mạnh. Dù bạn gặp phải khó khăn gì, dù nỗi đau ấy có lớn đến đâu, nếu chúng ta mất hy vọng thì đó mới là bi kịch thực sự.

 

 PV: Nguyệt Anh 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ

Back to top button