Góc ăn uốngHướng dẫn nấu ăn

Tuyệt chiêu nấu chân giò hầm thuốc bắc bổ dưỡng

Chân giò hầm thuốc bắc là món ăn được nhiều người lựa chọn khi muốn bồi bổ, nạp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, cách làm món chân giò hầm cần đến nhiều tuyệt chiêu để món ăn này trở nên thơm ngon và phát huy tối đa được giá trị dinh dưỡng vốn có.

Chân Giò Hầm Thuốc Bắc Có Tác Dụng Gì?
Với những người vừa khỏi bệnh hoặc trong quá trình điều trị bệnh, chân giò hầm thuốc bắc có lẽ là gợi ý hoàn hảo. Đây là một trong các món ăn người Hoa có khả năng giúp nhanh chóng bổ sung dưỡng chất cho cơ thể sau một thời gian dài suy kiệt. Ngoài ra, với phụ nữ sau sinh, tác dụng của chân giò hầm thuốc bắc giúp chị em có được lượng sữa tốt cho con trẻ.

Thành phần chính là chân giò, thuốc bắc, các loại rau củ… tưởng chừng đơn giản nhưng để có được món ăn ngon, đậm vị, bạn cần đến rất nhiều bí quyết. Hãy cùng theo dõi các bước hướng dẫn sau đây để có được thành phẩm món ăn vừa ngon miệng vừa đẹp mắt.

Nguyên Liệu Làm Chân Giò Hầm Thuốc Bắc
600g chân giò heo
1 gói thuốc bắc (bạn có thể tìm mua ở các tiệm bán thuốc bắc, siêu thị, chợ đều có)
100g nấm hương
150g củ năng
100g hạt sen tươi
50g bạch quả tươi
Lá quế, ngò rí
3 củ hành tím
1 trái dừa tươi
2 muỗng canh nước cốt hành tím
Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, muối, dầu ăn, nước tương

Cách Chọn Chân Giò Ngon Cho Món Hầm
Bạn nên chọn chân giò đoạn có nhiều gân cho món hầm thuốc bắc sẽ ngon hơn.
Bạn có thể chọn chân giò trước vì phần này xương ống nhỏ, nhiều thịt, ít mỡ.
Để món ăn ngon hơn, bạn nên chú ý chọn phần chân có nạc mỡ xen lẫn vừa phải.
Thịt phải còn tươi ngon, không có dấu hiệu bốc mùi.

Cách Làm Món Chân Giò Hầm Thuốc Bắc
Bước 1: Sơ Chế Giò Heo
Giò heo sau khi mua về, bạn cạo sạch lông và biểu bì còn dính trên da. Sau đó, đem đi rửa với nước muối loãng và chú ý cọ thật sạch phần móng. Nước muối sẽ giúp cho chân giò trắng sạch và khử mùi hôi hiệu quả.

Tiếp đó, bạn có thể dùng rơm nướng cháy sém phần da chân giò hoặc dùng đèn khò ga hay bọc chân giò vào giấy bạc rồi nướng trên bếp ga.

Sau đó, bạn đem chân giò đi rửa sạch dưới vòi nước, chà cho thật sạch lớp muội than còn dính trên chân giò nếu nướng bằng rơm hay khò ga.

Để chân giò ráo nước rồi chặt thành các miếng nhỏ vừa ăn.

Bạn ướp vào chân giò 2 muỗng canh nước cốt hành tím, ½ muỗng cà phê bột ngọt, ½ muỗng cà phê muối và ướp trong thời gian 10 phút.

Bước 2: Sơ Chế Phần Thuốc Bắc Và Nguyên Liệu Khác
Bạn ngâm thuốc bắc vào nước cho nở rồi rửa sạch lại, để ráo.

Phần củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm đôi.

Nấm hương bỏ gốc, rửa sạch, để ráo.

Hạt sen bỏ tim, rửa sạch, để ráo.

Bạch quả rửa sạch, để ráo.

Hành tím đem nướng cho thơm, rửa sạch lại.

Bước 3: Cách Hầm Chân Giò Cùng Thuốc Bắc
Cho vào nồi áp suất nước của 1 quả dừa tươi, thuốc bắc, nấm hương, củ hành tím nướng và chân giò vào. Tiếp theo, bạn nêm vào nồi ½ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt. Bạn đậy nắp và hầm trên mức lửa vừa trong thời gian 15 phút.

Sau khi đã hầm được 15 phút, bạn tắt bếp, mở nắp và thêm vào 800ml nước, cho tất cả các loại rau củ còn lại vào. Tiếp theo, bạn nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh nước tương. Sau đó, bạn tiếp tục hầm cho đến khi các nguyên liệu rau củ chín mềm là được.

Bước 4: Thưởng Thức Và Trình Bày
Khi đã hầm chín chân giò, bạn cho ra tô và cho lên trên một ít ngò rí và lá quế.

Bạn có thể dùng công thức này để chế biến món chân giò hầm thuốc bắc cho bà bầu sẽ rất bổ dưỡng. Các món hầm thuốc bắc có nguồn gốc từ người Hoa và luôn chứa đựng hương vị thơm ngon cùng những giá trị về dinh dưỡng. Với các bước hướng dẫn như trên, hy vọng bạn đã có thể tự chế biến được món chân giò hầm thuốc bắc bổ dưỡng cho bản thân và gia đình.

Nếu bạn yêu thích những công thức nấu món Hoa, muốn học hỏi những tinh hoa trong nền văn hóa ẩm thực lâu đời này, đừng ngần ngại hãy điền vào form bên dưới để được tư vấn cụ thể hơn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ

Back to top button