Đang cho con bú ăn trứng có được không?
Trứng rất giàu protein và bạn hoàn toàn có thể ăn trong thời gian đang cho con bú. Mỗi tuần, bạn có thể ăn từ 3 đến 4 lần. Khi ăn, bạn cần đảm bảo trứng đã được nấu chín bởi việc tiêu thụ trứng sống không được khuyến khích trong thời gian này. Ngoài việc thêm trứng vào chế độ ăn, bạn cũng nên đảm bảo lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày phải cao hơn 500 so với trước đây để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé.
Tác dụng của trứng đối với các bà mẹ đang cho con bú
Phụ nữ ăn trứng trong thời gian cho con bú là một lựa chọn rất tốt vì trứng có thể mang lại vô vàn những lợi ích về sức khỏe:
Ăn trứng trong thời gian cho con bú giúp tăng nồng độ cholesterol tốt trong cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim như đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
Trứng rất giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin B2, vitamin B12, phốt pho, selen, canxi, kẽm… Đây là các khoáng chất tốt cho sức khỏe của bạn trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.
Trứng có chứa choline, một chất rất quan trọng đối với nhiều chức năng cơ thể.
Trứng cũng rất tốt cho mắt, ăn trứng có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Trứng cũng chứa nhiều axit amin thiết yếu cần thiết cho các hoạt động của cơ thể.
Có nên ăn trứng sống hay trứng ốp la khi đang cho con bú không?
Khi cho con bú, bạn không nên ăn trứng chưa nấu chín, bởi việc tiêu thụ trứng sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm salmonella, gây sốt, tiêu chảy, nôn mửa, co thắt dạ dày và buồn nôn.
Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận với các món như nước sốt, salad, tiramisu… bởi nguyên liệu để chế biến các món ăn này thường là trứng sống. Nếu không may bị nhiễm khuẩn salmonella, vi khuẩn này sẽ tồn tại trong ruột và làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể dẫn đến mất nước, từ đó làm giảm nguồn cung cấp sữa trong cơ thể.
Dị ứng trứng và những điều cần lưu ý
Mặc dù phụ nữ ăn trứng khi cho con bú được xem là an toàn nhưng bạn cũng nên cân nhắc những vấn đề sau:
Nếu bạn ăn trứng khi cho con bú và thấy trẻ có các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, phát ban, khó thở, nổi mề đay…, bạn cần ngưng lại và đưa trẻ đi khám ngay. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng dị ứng trứng ở trẻ sơ sinh.
Trong trường hợp em bé bị dị ứng nghiêm trọng thì bạn cần lưu ý đến tất cả các loại thực phẩm khác mà bạn đang ăn.
Rất nhiều thực phẩm đóng gói có nguyên liệu là trứng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở bé.
Tránh ăn mayonnaise, salad trộn có trứng, các món chiên và thực phẩm có trứng ở các hàng quán.
Uống nhiều nước trong khi cho con bú để giữ ẩm và loại bỏ tất cả các thành phần độc hại ra khỏi cơ thể.
Mách bạn cách chọn trứng ngon, tươi
Để chọn mua được trứng tươi ngon không quá khó, bạn nên tham khảo các mẹo chọn trứng dưới đây:
Quan sát và sờ vỏ trứng: Khi chọn mua trứng, bạn nên quan sát kỹ vỏ trứng. Nếu nhận thấy trên bề mặt vỏ trứng hơi thô ráp và có một lớp phấn thì đây là trứng mới. Trong khi đó, ứng để lâu ngày sẽ có vỏ trơn láng, có thể có những chấm sậm màu, bị ẩm mốc. Khi đem soi dưới ánh mặt trời hoặc ánh đèn, quả trứng mới có màu đỏ nhạt, phần buồng khí nhỏ, phần lòng trắng và lòng đỏ rõ ràng.
Lắc nhẹ: Bạn cầm quả trứng lên và khẽ lắc nhẹ, nếu có tiếng ọc ạch hoặc cảm nhận được trong quả trứng có chuyển động nghĩa là trứng đã để lâu, bị hư hỏng…
Chọn trứng mới đóng gói: Nếu chọn mua trứng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì ngoài việc áp dụng 2 mẹo trên, bạn chỉ nên chọn những vỉ trứng mới được đóng gói.
Cách bảo quản trứng
Trứng mua về nếu chưa dùng ngay, bạn cần cho trứng vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Trứng tươi có thể để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được khoảng 4 tuần. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng, bạn chỉ nên sử dụng trứng trong khoảng 2 tuần.
Trong thời gian cho con bú, bạn hoàn toàn có thể ăn trứng nếu không phát hiện trẻ có các dấu hiệu dị ứng. Tuy nhiên, dù vậy, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa chúng vào chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe của cả bạn và bé.