Đời sống

Luật Đất Đai 2024 có thể có hiệu lực từ 1/7/2024

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, theo đó, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 202 đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

HAI QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/4/2024

Sẽ trình Quốc hội cho thi hành sớm Luật Đất đai 2024 từ 1/7/2024

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, theo đó, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 202 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

Tại Công văn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, giao các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết/hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.

Luật Đất Đai 2024 có thể có hiệu lực từ 1/7/2024

Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về lấn biển; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024 ngày 25/3, Thủ tướng yêu cầu: Cùng với xây dựng các luật, các bộ, ngành cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư để cụ thể hóa các luật. Trong đó cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư cụ thể hóa các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, tín dụng…, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền, sớm triển khai thực hiện các luật.

Cần sự vào cuộc tích cực, chủ động trước áp lực thời gian

Theo nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của Luật Đất đai và đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai, Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ xác định đây là luật khó, quan trọng, cần nhiều văn bản hướng dẫn nên khi thông qua luật, các cơ quan và Quốc hội đã cố gắng bố trí thời gian có hiệu lực dài hơn, cụ thể khoảng một năm. Thời gian này theo tính toán đủ để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc này rất đáng ghi nhận và khi các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn từ 1/7. Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể khi Chính phủ trình chính thức.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, Luật đất đai là một bộ luật chuyên ngành rất đồ sộ, liên quan đến rất nhiều Luật khác nhau và đang có nhiều điểm nghẽn, những điểm nghẽn này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Sau khi sửa đổi, cơ bản những điểm nghẽn chúng ta đang gặp phải đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nếu như chờ đợi hơn 1 năm, đến 1/1/2025 luật mới có hiệu lực thì trong cả năm 2024 những điểm nghẽn trên vẫn chưa tháo gỡ được.

Bên cạnh đó, năm 2025 là một năm rất đặc biệt bởi vì đây là năm cuối của nhiệm kỳ, nếu như Luật đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thời gian được đẩy sớm lên nửa năm, các khó khăn sẽ được tháo gỡ rất đáng kể và sẽ kịp tiến độ để cho các địa phương giải quyết được những công trình trọng điểm, những vấn đề liên quan đến đất đai… góp phần hoàn thành được nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ.

Ghi nhận những lợi ích nếu Luật Đất đai sớm có hiệu lực như đề xuất, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, còn nhiều việc phải làm để luật có hiệu lực bởi Luật đất đai liên quan đến rất nhiều Luật khác, liên quan đến nhiều Bộ, ngành; khối lượng các điều luật để giao Chính phủ quy định chi tiết khá nhiều, các Bộ phải có thông tư hướng dẫn…

Đại biểu cho rằng, tính từ nay đến 1/7, thời gian vô cùng gấp gáp để các Bộ, ngành xây dựng được các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đòi hỏi các Bộ, ngành phải thật sự nỗ lực, tránh trường hợp xây dựng vội quá, vướng mắc lại chồng vướng mắc. Nếu không kịp xây dựng được các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì việc đẩy thời gian luật có hiệu lực sớm hơn cũng không còn ý nghĩa.

Thực tế, thời gian qua có không hiếm các trường hợp luật “nằm chờ” nghị định bởi nếu không có nghị định hướng dẫn thi hành thì các địa phương chưa biết làm như thế nào. Áp lực như đã nêu ở trên rất lớn, tuy nhiên, đại biểu bày tỏ tin tưởng Chính phủ đã có đề xuất thì Chính phủ cũng đã có phương án để giải “bài toán” này. Đại biểu nhấn mạnh, để Luật có hiệu lực từ 1/7/2024 thì phải có sự vào cuộc vô cùng tích cực của Chính phủ, các Bộ ngành TW lẫn các địa phương để tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc.
THEO: quochoi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ

Back to top button