Đều ở độ tuổi ngoài 40, một người được các công ty săn đón mời làm việc, một người phải mò mẫm rải từng chiếc CV.
Tôi chưa đến tuổi 40, nhưng phần nào thấu hiểu được cảm giác thất nghiệp của những anh chị ngoài độ tuổi này. Bởi tôi từng có quãng thời gian thất nghiệp tám tháng lúc 31 tuổi – độ tuổi được xem đang trên đỉnh của cuộc đời.
Thời gian đó, mỗi ngày trôi qua là một ngày dài vô tận. Vì không phải đi làm, tôi thức dậy trễ, lúc 10h để gộp buổi ăn sáng và ăn trưa vào cho tiện. Buổi chiều tôi ra quán cà phê để đọc các tin tuyển dụng, gửi CV và chờ đợi email gọi phỏng vấn.
Thấy tôi suốt ngày ở nhà, chủ trọ thắc mắc tại sao không đi làm, rồi ông sợ tôi xin khất tiền phòng. Cũng may mắn khi sau này nhờ kết nối với bạn bè, tôi tìm được việc phù hợp ở một công ty và ổn định đến nay.
Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc, phổ biến nhất là phân biệt tuổi tác. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 41%, nhóm 26-35 tuổi với 35%, còn nhóm từ 35 tuổi trở lên là 24%. Rất nhiều lao động phàn nàn chuyện khó xin việc vì tuổi tác.
Doanh nghiệp Việt mãi ì ạch cũng chính vì những người lãnh đạo quá cố chấp, không lắng nghe góp ý của nhân sự, cứ cho là mình đúng nhưng quên mất sức mạnh của tập thể. Tôi chưa bao giờ ngại khi nghe ý kiến phản biện nhân viên lâu năm, điều quan trọng là sếp phải đủ trình độ để chắt lọc những cái nào có ích cho công ty để thay đổi mình.
Hiện nay, tôi thấy cách nhìn nhận của xã hội đang hơi lệch lạc khi một số công ty hạn chế tuyển dụng nhân viên ngoài 40 tuổi. Ở Việt Nam, để học xong Đại học phải trên 23 tuổi. Như vậy, với tư duy tuyển dụng như hiện nay, bạn chỉ có 17 năm để đi làm? Chưa kể sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, lối sống và tính cách còn xốc nổi nên cũng bị chê nhiều. Vậy thì tuổi nào mới chững chạc để có đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng?”.