Du lịch trong nướcĐời sốngGóc du lịchKinh nghiệm du lịchNhân vật
Xu hướng

Cầu Long Biên đôi dòng ký ức tác giả Duy Nghĩa

Hà Nội thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu triển khai dự án cải tạo cầu Long Biên. Kinh phí cho Tổ do Pháp tài trợ. Lâu nay, việc nước ngoài tài trợ cho các dự án là chuyện bình thường, song với Cầu Long Biên, nên coi là biệt lệ, tuy chỉ là Cây cầu nhưng nó đã hòa vào lịch sử…

Cầu Long Biên :

Đôi dòng ký ức

                                    Nguyễn Duy Nghĩa

Cầu Long Biên có tên “khai sinh” là  Paul Doumer, dân dã thời đó gọi là Cầu Sông Cái (*).  Trải qua 120 năm tồn tại, Cây cầu lịch sử này đã cho cảm xúc đa chiều, rực sáng từ nhiều góc nhìn.

Viết Cầu Long Biên có tên “khai sinh” là  Paul Doumer tức Vị Toàn quyền Đông Dương thời đó không phải là bạo tay, bởi chính Ông quyết định xây Cây cầu này. Cơ duyên khiến Paul Doumer quyết bắc cầu Long Biên có lẽ từ khi ông đặt chân tới Hà thành, cảnh trí của kinh kỳ Thăng Long ùa vào cảm xúc của vị Toàn quyền. Ông viết trong Ký ức Đông Dương thuộc Pháp, như sau: “Khi tôi nhìn thấy Hà Nội vào đầu tháng 3.1897, Thành phố lúc đó thật là duyên dáng với các ngôi nhà trắng cổ kính của người Việt và người Hoa chen lẫn nhau ở bờ Bắc khiến nó giữ được vẻ đẹp phương Đông như trong tranh. Các khu phố An Nam với những con phố nhỏ hẹp, hai bên là những hàng nhà thấp có cửa hàng lấn ra cả vỉa hè đông đúc trông thật ấn tượng. Chính đó mới là cái hồn thật sự của Hà Nội”.

Đâu phải chỉ có Cầu Long Biên mà trong nhiệm kỳ 5 năm là Toàn quyền, Paul Doumer đã tạo một “bước ngoặt lớn” về cơ sở hạ tầng  cho Xứ Đông Dương và riêng với nước ta là chuỗi các công trình để đời khắp cả nước. Cùng với Long Biên (Hà Nội, còn có các cây cầu và công trình hạ tầng như cầu Tràng Tiền (Huế), cầu  Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng, hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam…, liên tiếp được Ông cho triển khai. Riêng cái tên Dumer – tức Cầu Long Biên, có giai thoại: Vào năm đã có cây cầu này, giám khảo hỏi học sinh tiểu học “Cầu nào lớn nhất Đông Đương”. Cậu học trò Miền Nam bí quá bèn thốt lên ”Đu me hỏi gì khó quá”. Giám khảo vừa nghe hai tiếng Du me đã gật lia lịa ”Bien, cest le pont Dumer (Giỏi ! Đó là Cầu Dumer) (**)

Và khi mạnh tay viết bởi chính Ông đã quyết xây Cây cầu này” là vì  vào thời đó là quyết định táo bạo. Ngay nay, còn lưu giữ bản viết của Paul Doumer: “Đông Dương, cần tất cả những gì tạo nên cơ sở hạ tầng cơ bản cho một xứ sở rộng lớn, phì nhiêu và đông đúc. Một việc mà tôi cho rằng cực kỳ cấp thiết, đó là xây dựng một cây cầu lớn qua sông Hồng ở Hà Nội”. Và khi Ông quyết định bắc cây cầu khổng lồ dài 1.600 mét qua sông Hồng, Ông đã không nhận được nhiều tán thành. Người ta coi việc này là không khả thi “Như thể muốn xếp chồng những ngọn núi lên nhau để leo lên trời”. Sông Hồng rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng thêm 8m vào mùa lũ. Lòng sông luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông như vậy sao có thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ dưới một lòng sông đầy sóng dữ, “Những vị quan có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng tỏ ra nghi ngại, và cho rằng chúng ta có quyết định liều lĩnh”. Không kể chuỗi công trình hạ tầng để đời nói trên mà chỉ riêng việc quyết đoán xây Cầu Long Biên cho thấy Ông đã thực sự “toàn quyền”

Song khi vào việc ở góc độ pháp lý kinh tế – kỹ thuật,  dù là quyết định của chính mình song không phải Ông là Toàn quyền ắt có “toàn quyền” định đoạt, việc xây dựng cầu Long Biên vẫn phải qua  đấu thầu. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia và Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng. Công ty mang tên Daydé et Pillé  – một kỹ sư bách nghệ lừng danh với bề dày kinh nghiệm. Công ty đã làm nhiều công trình hầm cầu, trong đó nổi tiếng là ga đường sắt Bordeaux-Saint-Jean, mái vòm và gian giữa của Cung điện lớn Grand Palai ở Paris năm 1900. Bản đăng ký dự thầu do Công ty Daydé et Pillé được chính Doumer phê duyệt,với các bản vẽ mặt đứng và mặt cắt dọc nhịp cầu dài 51,2m với các dầm chìa của các nhịp cầu…và tên tuổi nhà thầu Daydé et Pillé mới được khắc ghi trên tấm biển kim loại nhỏ nhắn, chữ nổi, trên nhịp cầu phía hữu ngạn, đến nay vẫn sắc nét.

Ngày nay, việc bắc cầu qua mọi dòng sông không còn là chuyện to tát, song với trình độ kỹ thuật cầu hơn một trăm năm trước, vừa với dòng Sông Hồng khi chưa được trị thủy thì quả là ý tưởng táo bạo và thành công càng xứng danh kỳ tích.

Cây cầu được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 12/9/1898, được đánh dấu bằng nghi thức Toàn quyền Paul Doumer dùng chiếc bay bằng bạc gắn tấm biển bằng đá hoa cương lên đầu cầu.

Với sông Hồng vừa rộng, vừa sâu, việc chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong một lòng sông đầy sóng dữ tưởng như là điều không thể, nhưng các kỹ sư Pháp cùng người thợ Việt Nam đã chinh phục được.

Trở ngại đầu tiên trong xây dựng cầu là thay đổi mực nước sông Hồng, tăng thêm 8m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4m/giây… nên công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau và dừng thi công trong những tháng lũ lụt. Hơn nữa, thuyền bè di chuyển trên sông cũng không bị cản trở. Đặc biệt các trụ cầu khi đang xây dựng phải được bảo vệ, tránh nguy cơ các bè tre, gỗ gây ra. Việc đào móng xây trụ cầu là công đoạn khó khăn nhất được tiến hành ở độ sâu 30m, do kỹ sư Jacques Triger sáng chế ra. Phương pháp này cần dùng các máy nén khí. Đầu tiên, một giếng chìm hơi ép được nhấn chìm xuống đất và sau đó được điều áp để ngăn nước tràn lên. Tiếp đó, chiếc giếng biến thành một van điều áp có nắp….

Viết rằng “người thợ Việt Nam đã chinh phục được” không phải là tranh công, ta tự khen ta. Thoạt đầu chủ thầu tuyển đa số thợ là người Tàu nhưng họ nhanh chóng bị thợ An Nam, khéo tay, chống chịu hơn, gạt ra rìa. Đội quân thợ đá, thợ mộc, thợ xây, thợ sắt… hơn 2.000 người, có lúc lên tới 3.000 người làm việc dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 quản đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp. Dù thi công thời đó nhiều thao tác thủ công, nặng nhọc, mạo hiểm và mới mẻ đối với họ, song kết cục suôn sẻ. Được kể rằng đinh ri-vê được “nướng” chín bằng lò bễ tại chỗ, dùng kìm cặp tung cho thợ tán đón bằng phễu sắt như trò xiếc tung hứng, đút ngay vào lỗ giáp nối, hối hả búa tán, khi đinh hết đỏ thì “ván đã đóng thuyền”. Việc tung đinh tán nung đỏ là thủ thuật từng được người Pháp áp dụng trước đó, trong đó có xây dựng tháp Eiffel, tới Cầu Long Biên thì đến tay thợ Việt. Phải chăng Đội ngũ làm cầu ngày ấy là lớp tiền bối của Lực lượng thợ bắc cầu hùng hậu Việt Nam ngày nay !.

Ban đêm công trình Cầu được soi sáng bởi các bóng điện từ một xưởng phát điện 350 CV. Liên tưởng đến thời ấy để có ánh sáng phải dùng đĩa dầu lạc, sang hơn là đèn dầu hỏa, những “cái bóng đèn chổng ngược” mà vẫn cháy sáng như là hoang tưởng, thì những lấp lánh ánh sao đêm trong cảnh trí còn hoang sơ thật là kỳ thú.

Cầu Long Biên đôi dòng ký ức tác giả Duy Nghĩa

Cầu Long Biên vào khoảng những năm 1950. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Tới 28.2.1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội đưa vua Thành Thái,Toàn quyên Paul Doumer, thông cầu. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong 3 năm 7 tháng, trong khi định hạn là 5 năm, không đội vốn. Cây cầu này là công trình xây dựng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Và, nó đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.

Từ khi chào đời, Cây cầu không chỉ tạo ra đột phá đời sống kinh tế – xã hội Khu vực Sông Hồng mà vượt lên là biểu tượng của kiệt tác kiến trúc và kết cấu thép đồ sộ nhất Đông Nam Á. Trên dòng sông miệt mài chở nặng phù sa theo nước trên nguồn về suôi, bỗng hiện ra cây cầu như một con rồng xanh, vươn mình, bay lên, hay tựa hồ một cầu vồng tuyệt đẹp kiêu hãnh  giữa khoảng không bao la. Chữ “Long Biên” được đặt tên cho Cây cầu có lẽ được nảy ra từ huyền thoại thăng Long tức rồng bay. Những vần ca dao mộc mạc bật ra từ sự hả hê, được đổi đời khi cây cầu này thay thế cho những chuyến đò ngước suôi rẽ dòng nước cả, nhọc nhằn chèo lái:

 

Hà Nội có cầu Long Biên

Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng

Tàu xe đi lại thong dong

Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi

 

Cũng từ đó Cây cầu nhịp bước theo dòng lịch sử hiện đại của non nước này. Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội – 02/09/1945, hàng nghìn người dân từ tả ngạn Sông Hồng rầm rập tiến bước trên cầu Long Biên hòa cùng dòng người muôn nẻo hồ hởi đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, hô vang lời thề độc lập. Rồi Cây cầu cùng ta đi qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, tới 10/10/1954, rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô. Trong những năm chiến tranh phá hoại, Cây cầu là một trong những trọng điểm oằn mình hứng bom đạn, te tua, gục gãy, Cây cầu vẫn đưa những đoàn hùng binh tiến đến Ngày Toàn thắng về ta. Vắt qua ba thế kỷ, cầu Long Biên không chỉ là một công trình kiến trúc còn là chứng nhân lịch sử, bảo tàng vô giá.

Cầu Long Biên đôi dòng ký ức tác giả Duy Nghĩa
                     Cầu Long Biên hiện còn vương chứng tích của một thời đạn bom

 

Sau ngày “mặt đất bình yên, tạnh gió mưa”, ai nấy đều mong mỏi đến một ngày Cây cầu sẽ được phục dựng, khoác lên minh bộ cánh mới, hoành tráng hơn mười ngày xưa. Dùng dằng mãi, sốt ruột với nghiệt ngã thời tiết liên kết với thời gian càng trôi Cây cầu càng xập xệ, rình rập hiểm họa. Vì thế, chợt  nghe có chủ trương sửa chữa Cầu Long Biên, dù mới là nghiên cứu đã khấp khởi mừng thầm, thắp lên hy vọng cho một lớp người từng được chiêm ngưỡng Cầu Long Biên thuở còn vẹn nguyên – khi mà cảnh quan xung quanh còn trống vắng, chưa có lớp lớp nhà cao tầng che khuất, cách khoảng dăm bảy cây số nhìn vè Hà thành đã thấy lừng lững Cây Cầu.  Được vậy là thỏa niềm ao ước bấy nay.

 

Với đà tiến lên, Hà Nội đã và sẽ có thêm nhiều cây cầu vượt Hồng Hà, tân kỳ, hoa mỹ hơn. Cầu Long Biên chắc chắn không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông, nhưng thế lại hay. Cây cầu mới càng tôn lên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội cùng đồng bào cả nước và sẽ nổi lên là điểm đến hút du khách bốn phương mỗi khi đặt chân tới Kinh kỳ, và còn là một nhịp cầu hữu nghị sâu đậm bang giao Việt – Pháp trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển./.

——————————

Ghi chú:

(*) Sông Hồng còn có tên là Sông Cái (sông mẹ), khi có Cây cầu thì dân dã gọi luôn cầu là Cầu Sông Cái.

(**) Công tử Bạc Liêu – Nguyễn Hùng, Nhà Xuất bản Công an nhân dân, trang 98-99

Đài Loan vài nét chấm phá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button