Cách làm lẩu riêu cua bắp bò đúng thơm ngon không thể cưỡng lại

Món lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn với cách nấu hơi cầu kỳ nhưng chắc chắn không quá khó để nấu.

Nguyên liệu nấu món lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn
Món lẩu riêu cua bắp bò ngon hấp dẫn

Cua đồng tươi: 0,5 kg
Bắp bò: 0,5 kg
Sườn sụn: 0,5 kg
Đậu hũ: 5 miếng
Cà chua: 4 trái
Mẻ, giấm hoặc me chua, quả dọc
Mắm tôm: 1 muỗng vừa
Các loại rau sống để ăn kèm: Hoa chuối thái thành sợi (nhiều hơn các nguyên liệu khác), rau muống chẻ sẵn, rau xà lách, rau mùi.
Hành lá: 1 bó nhỏ
Bún tươi: 1 kg
Hành khô: 2 củ
Các gia vị khác: nước mắm, muối, bột ngọt
Đa dạng menu cho gia đình với cách nấu lẩu đuôi bò siêu hấp dẫn nhé.

Các bước nấu món lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn
Bước 1: Sơ chế các loại rau nhúng lẩu
Các loại rau sống bạn đem rửa sạch, ngâm cùng với nước muối pha loãng rồi vớt ra để ráo, khi ăn bạn trình bày ra đĩa. Riêng phần hoa chuối nhiều hơn thì bạn cho ra đĩa riêng.
Hành lá bạn nhặt gốc, đem rửa sạch, rồi cắt khúc dài để nhúng lẩu. Cà chua rửa sạch, bổ thành múi cau nhỏ để nấu nước dùng.
Bước 2: Rán đậu phụ
Đậu phụ trắng bạn mua về cắt thành miếng nhỏ vừa ăn, sau đó bạn cho vào chảo rán vàng đều các mặt rồi vớt riêng ra để ráo dầu.
Bước 3: Sơ chế và chế biến bắp bò
Bạn ngâm bắp bò với nước muối pha loãng, sau đó bạn rửa lại với nước rồi để ráo. Bạn thái bắp bò thành những miếng mỏng sao cho vừa ăn, càng mỏng thì khi bạn nhúng thịt sẽ càng nhanh chín và thơm, mềm hơn. Thái xong thịt thì bạn trình bày vào đĩa cho đẹp mắt.
Bước 4: Sơ chế và chế biến sườn sụn
Băm nhỏ 1 củ hành khô. Sườn sụn thì bạn mua về đem rửa sạch cùng với nước (bạn có thể rửa với nước muối hoặc muốn kỹ hơn thì chần sơ qua nước sôi). Bạn chặt sườn thành những miếng nhỏ để miếng vừa ăn. Ướp nửa lượng sườn với chút hành khô băm nhỏ, với nước mắm và gia vị, cho vào trong nồi xào sơ rồi đổ thêm nước vào. Nấu bằng nồi áp suất trong khoảng 10 phút cho thịt mềm.
Lượng sườn còn lại thì bạn bày hết ra đĩa để bạn nhúng trực tiếp khi ăn. Phần sườn này thì bạn có thể ướp gia vị trước hoặc bạn giữ nguyên như vậy.
Bước 5: Sơ chế và chế biến cua đồng
Bạn cho phần cua vào trong một cái nồi nhỏ, rắc thêm vài muỗng muối vào, sau đó bạn đậy vung lại rồi xóc đều tay để cua ra hết chất bẩn. Tiếp tục bạn rửa lại cùng với nước nhiều lần cho sạch. Tiếp đó, bạn sẽ bóc bỏ phần mai, dùng tăm để lấy hết gạch cua ra chén, để riêng.
Phần thịt cua thì bạn cho vào trong cối giã nguyễn hoặc bạn xay bằng máy xay sinh tố cũng được. Sau đó bạn sẽ cho thêm nước vào rồi lọc lấy nước cua. Lượng nước cua này thì tương đương với khoảng 1,5 lít là vừa. Lưu ý, khi bạn giã hoặc xay cua thì bạn cho vào một chút muối để nước cua được đậm đà.

Lúc này, bạn sẽ nêm thêm muỗng mắm tôm và các gia vị vào trong nồi nước cua rồi bắc lên nấu. Vừa nấu bạn vừa khuấy đều hết lên cho đến khi thấy nước sôi và riêu cua đã nổi lên trên. Hạ lửa nhỏ lại, dùng vá để gạn hết phần riêu cua vào cạnh nồi cho đến khi thấy kết lại thành mảng rồi bạn tắt bếp. Bạn vớt riêu cua riêng ra chén, khi nào ăn thì bạn thả dần vào trong nồi nước lẩu để riêu sẽ không bị vỡ, nát.
Bước 6: Xào chín gạch cua
Gạch cua đem xào chín có mùi thơm phức

Băm nhỏ phần củ hành khô còn lại. Bắc chảo lên trên bếp với một chút dầu ăn, đợi khi dầu nóng thì bạn phi thơm hành khô rồi trút phần gạch cua vào xào, nêm thêm thêm chút nước mắm cho đậm đà hơn rồi trút riêng ra chén.
Cũng với chiếc chảo đó, bạn sẽ cho cà chua đã thái thành múi cau vào xào chín, bạn không nên xào chín quá hoặc làm nát cà chua.
Bước 7: Nấu nước dùng lẩu
Mẻ đã ngấu rồi thì bạn lọc lấy rồi chút nước vào trong chén con (có thể dùng quả dọc hoặc dùng quả me như ở phần nguyên liệu đã nói để thay thế). Lượng mẻ thì bạn tự căn chỉnh sao cho phù hợp với khẩu vị.
Đổ thêm nước cua và nước ninh sườn vào trong một cái nồi. Vớt sườn sụn và cho cà chua đã xào chín vào. Cho thêm nước mẻ vào, nêm nếm thêm chút giấm bỗng, khuấy đều hết lên rồi đun sôi. Sau đó bạn nêm gia vị sao cho vừa ăn rồi thả tiếp riêu cua vào, rưới tiếp gạch cua lên riêu để tạo được màu đẹp mắt.
Yêu cầu thành phẩm
Bày rau cùng với thịt bò, sườn sụn, đậu hũ và bún tươi xung quanh nồi lẩu. Chuẩn bị thêm một chén để đựng nước mắm ăn kèm.
Khi ăn thì bạn cho thêm vào một chút hành lá, đầu hành trắng, thêm vài lát đậu hũ và một nhúm hoa chuối vào trước để nồi lẩu của chúng ta thêm sinh động. Sau đó bạn sẽ nhúng thịt bò, sườn cùng các nguyên liệu khác rồi thưởng thức.
Lẩu riêu cua bắp bò phải đảm bảo về cả hình thức cũng như hương vị. Về hình thức thì nồi nước lẩu và các nguyên liệu phải được trình bày trông đẹp mắt, màu sắc thì hài hòa, thu hút.

Mục nhập này đã được đăng trong Chưa phân loại. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *