Ngày 21/4, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm (UBQG) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống ma túy năm 2023. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBQG chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình ma túy trên thế giới; đặc biệt là tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á với “điểm nóng” về ma túy là vùng Tam giác vàng diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, thời gian gần đây một số quốc gia đã hợp pháp hóa các chất ma túy hoặc đang nghiên cứu, xem xét việc hợp pháp hóa cây cần sa vì mục đích y tế, tạo ra xu hướng đáng lo ngại, gây khó khăn, thách thức cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ma túy tại các nước, trong đó có Việt Nam.
Do nằm gần khu vực Tam giác vàng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông quốc tế (bằng cả đường bộ, đường hàng không và đường biển); Việt Nam chịu tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực. Thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp trên các tuyến và địa bàn trọng điểm.
Trên tuyến đường bộ, ma túy được vận chuyển chủ yếu từ Lào vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch khu vực biên giới sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hoặc sang nước thứ ba, chủ yếu qua 4 tuyến trọng điểm: tuyến Tây Bắc, Tuyến Đông Bắc, tuyến Bắc Miền Trung – Tây Nguyên, tuyến Tây Nam. Các đối tượng câu kết hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi (trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ).
Trên tuyến hàng không, bưu điện trở thành một trong những tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam: Các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát, vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay hoặc bưu điện; lợi dụng hình thức ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch để vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ các nước Châu Âu (Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ, Pháp…) về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ. Riêng trong Quý I/2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 18 vụ, 21 đối tượng, thu giữ gần 670 kg ma túy các loại; điển hình là vụ việc 4 tiếp viên hàng không liên quan đến hành vi vận chuyển ma túy trên chuyến bay từ Pháp về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa qua.
Tuyến đường biển tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng. Phát hiện nhiều vụ ma túy trôi dạt trên vùng biển các tỉnh miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Thuận.
Ma túy “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử diễn biến phức tạp
Trong nội địa, theo thống kê đến hết năm 2022, cả nước có 269 điểm, 18 tụ điểm phức tạp về ma túy cần tập trung quản lý, giải quyết; 3.890/134.936 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn ma túy; có 196.110 người nghiện ma túy (trong đó gần 50% đang ở ngoài xã hội); 50.962 người sử dụng trái phép chất ma túy; 14.455 người bị quản lý sau cai nghiện. Với số lượng như hiện nay, nhất là số hiện đang ở ngoài cộng đồng (trong đó 71.981 người có tiền án, tiền sự, chiếm 29% tổng số người nghiện, người sử dụng ma túy; 2.614 người nghiện, người sử dụng ma túy có dấu hiệu loạn thần “ngáo đá”) đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác.
Trong năm 2022, Công an toàn quốc đã xử phạt vi phạm hành chính: 11.068 người; bắt giữ, khởi tố: 3.574 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy có hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có 41 vụ phạm tội do đối tượng sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” xảy ra tại 21 địa phương).
Đáng lưu ý, tình trạng ma túy “núp bóng”, được các đối tượng tẩm ướp vào các loại hàng hóa như: bánh, kẹo, thực phẩm, dược phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp. Phương thức giao dịch, mua bán các loại ma túy “núp bóng” được thực hiện trên không gian mạng. Người sử dụng chủ yếu là thanh, thiếu niên; gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Công an các địa phương, năm 2022, toàn quốc phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; thu giữ 12,6 kg ma túy tổng hợp, 124,1 kg và 40,4 lít ma túy loại ADB-BUNTINACA.
Tình hình trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn tiềm ẩn phức tạp. Trước đây cần sa được trồng nhiều ở những vùng núi, khu dân cư hẻo lánh. Nhưng hiện nay các đối tượng đã tự nghiên cứu và trồng cần sa ngay tại nhà ở các khu đô thị với nhiều mục đích khác nhau.
Năm 2022, toàn quốc xác định 140 địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy, 382 đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép; 303 người có nghi vấn liên quan đến hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy trái phép; đã phát hiện, triệt phá 39.554 m2 diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (tăng 66% so với năm 2021).
Trước tình hình trên, các lực lượng chuyên trách thực hiện quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, phương án đấu tranh; triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 26.119 vụ, 40.113 đối tượng phạm tội về ma túy (ít hơn 0,27% số vụ, nhiều hơn 4,88% số đối tượng so với năm 2021); thu giữ hơn 743 kg heroin; hơn 2.100 kg và 4 triệu viên MTTH; 467 kg cần sa; triệt xóa 763 điểm, 72 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm 1.810 vụ; bắt 363 đối tượng truy nã; vận động đầu thú 107 đối tượng; thanh loại 27 đối tượng (hiện còn 1.102 đối tượng truy nã về ma túy).
Một số vụ điển hình như: Vụ vận chuyển trái phép ma túy bằng hình thức chuyển phát nhanh quốc tế từ Đức về Việt Nam, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ 98 kg ma túy tổng hợp các loại; phối hợp với phía Campuchia phá chuyên án 822T, bắt giữ, làm rõ các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển 1,6 tấn ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ gồm 29 đối tượng (trong đó có đối tượng Oanh Hà đang bị truy nã quốc tế lẩn trốn tại Campuchia); thu giữ vật chứng 131 kg ma túy tổng hợp; chuyên án 922T, triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ, bắt giữ 04 đối tượng, thu giữ 58kg ma túy tổng hợp, 40 bánh heroin. Phối hợp với Lào đấu tranh chuyên án chung như: chuyên án 120L, bắt 2 đối tượng, thu 99 bánh heroin và 01kg ma túy tổng hợp; chuyên án 322P bắt 8 đối tượng, thu giữ 552.000 viên ma túy tổng hợp và 72 bánh heroin…
Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngành Điều tra hình sự Quân đội bắt giữ, giải quyết 15 vụ án, 42 bị can; lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp bắt giữ 848 vụ, 1.195 đối tượng, thu giữ 1.026 kg ma túy các loại; lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp đấu tranh 238 vụ/328 đối tượng, thu giữ trên 354 kg ma túy các loại.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 303 vụ, 270 đối tượng, thu giữ trên 1.100 kg ma túy các loại (so với năm 2021 tăng 61 vụ và 39 đối tượng).
Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 29.069 vụ/41.313 bị can về ma túy, trong đó khởi tố mới 24.398 vụ/33.962 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 23.538 vụ, 32.716 bị cáo.
Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 27.030 vụ, 39.322 bị cáo phạm tội về ma túy theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử 24.438 vụ, 35.119 bị cáo. Số vụ án Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết tăng 143 vụ, 2.897 bị cáo so với năm 2021.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có 110 cơ sở cai nghiện ma túy tại 60/63 tỉnh, thành phố (3 tỉnh chưa có gồm Đăk Nông, Kon Tum và Hậu Giang); trong đó 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập có công suất tiếp nhận 57.896 người, 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập có công suất tiếp nhận tối đa 4.000 người. Năm 2022, cơ sở cai nghiện công lập tổ chức cai nghiện cho 49.596 người; cơ sở cai nghiện tự nguyện điều trị cho 2.715 người.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 51.569 người tại 343 cơ sở của 63 tỉnh, thành phố. Công tác quản lý sau cai nghiện được 100% các địa phương tổ chức thực hiện; nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hoàng Giang
Nguồn: tiengchuong.vn