Đời sống

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Vào ngày Tết Hàn Thực mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam đều bận rộn chuẩn bị làm những đĩa bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết này. Tết Hàn Thực là ngày gì?

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Hàn Thực 3/3

Theo nghĩa chữ Hán “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh Trung Quốc và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới. Phong tục này bắt nguồn từ một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời tại Trung Quốc. Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, bên cạnh vua có một vị hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi luôn hết mình phò tá, giúp sức, bày mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua sau khi ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm. Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Vua Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Vì là người không tham danh vọng, Giới Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng để thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ rằng, Tử Thôi lại quyết chí, kiên định như vậy, cùng mẹ chịu chết cháy trong rừng.

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm. Hàng năm, đến ngày mùng 3/3 người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, làm cỗ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm dùng lửa nấu ăn. Đây được coi là ngày Tết Hàn thực.

Ý nghĩa Tết Hàn Thực ở Việt Nam

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Mặc dù bắt nguồn từ truyền thuyết của Trung Quốc, Tết Hàn Thực ở Việt Nam cũng theo phong tục ấy nhưng vẫn có ý nghĩa tâm linh khác, mang những bản sắc riêng biệt của nền ẩm thực Việt Nam. Khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Bên cạnh đó, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi bánh chay để tượng trưng cho thức ăn nguội, vừa là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa. Vì vậy người Việt gọi ngày mùng 3/3 Âm lịch là Tết bánh trôi – bánh chay.

Tết Hàn Thực ở Việt Nam không liên hệ tới vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, Tết của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về tổ tiên, cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.

Hàng năm cứ tới ngày mùng 3/3  Âm lịch, tất cả các gia đình ở Việt Nam đều có chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành, có lẽ đây cũng là một cách để tượng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân. Trong ngày này, người dân dùng bánh trôi bánh chay để cúng lễ mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt.

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Bánh trôi, bánh chay được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên, là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,… đã rất quen thuộc với người Việt chúng ta. Đặc biệt, khi nhìn vào những hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang hàm ý tưởng nhớ tới sự tích “mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng”.

Tết Hàn Thực có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

Những chiếc bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ lên rừng, và những chiếc bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng trở thành 50 người con trai theo cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân. Chính vì vậy, người dân Việt sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực để cầu mong mưa thuận gió hòa.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button