Gàu là một căn bệnh rất phổ biến mà nhiều người gặp phải. Dù thử rất nhiều biện pháp điều trị nhưng gàu vẫn dai dẳng xuất hiện khiến bạn cảm thấy tự ti, mệt mỏi. Cùng Vietpharco tìm hiểu các nguyên nhân và cách điều trị gàu tại nhà hiệu quả
Các nguyên nhân chính gây ra gàu
1. Bị gàu do mắc các bệnh về viêm da
Bệnh viêm da tiết bã nhờn: căn bệnh thường xuất hiện khi có quá nhiều dầu, bã nhờn trên da đầu, làm bít lỗ chân lông. Khi mắc chứng bệnh này, da đầu sẽ có vảy trắng, vảy ngả màu vàng. Nếu không vệ sinh da đầu kỹ càng và chữa trị kịp thời, lớp vảy càng ngày càng dày, gây ngứa ngáy, khó chịu và nấm da đầu cũng sinh sôi, phát triển mạnh mẽ.
Bệnh viêm da tiết bã nhờn hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể đẩy lùi và ngăn chặn các triệu chứng cơ bản nếu được điều trị đúng cách và người bệnh tuân thủ các nguyên tắc trong sinh hoạt theo chỉ dẫn. Tốt nhất hãy nên đến bác sĩ và thăm khám khi thấy có các dấu hiệu bất thường.
Bệnh viêm da tiếp xúc: những người bị bệnh này thường là do bị dị ứng với thành phần nào đó của dầu gội đầu, các hóa chất sử dụng để tạo kiểu tóc, keo xịt tóc. Tình trạng bệnh nhẹ thì da dầu chỉ bị gàu, ngứa, tình trạng nặng hơn, da đầu có thể xuất hiện dịch, mụn mủ, mụn nước.
Thông thường viêm da tiếp xúc sẽ tự khỏi sau 2 – 4 tuần không tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, một số trường hợp bị viêm da tiếp xúc mãn tính thì cần phải có sự can thiệp điều trị.
2. Bị gàu do yếu tố bệnh lý
- Da đầu bị nhờn: do cơ địa mà nhiều người có da đầu bị nhờn, tuyến bã tiết ra chất nhờn nhiều, gây tắc các lỗ chân lông trên vùng da đầu, hình thành các vảy trắng mỏng phủ khắp da đầu.
Bạn có thể sử dụng tinh dầu tràm trà, giấm táo hoặc baking soda để hạn chế tình trạng da đầu nhờn:
Tinh dầu tràm trà: Thoa 5 – 7 giọt tinh dầu tràm trà lên vùng da bị ảnh hưởng kết hợp massage nhẹ nhàng và thư giãn. Sau đó gội sạch và lau khô tóc.
Giấm táo: Thoa một vài giọt và massage nhẹ nhàng từ 5 – 7 phút và sau đó gội sạch tóc.
Baking soda: Trộn hỗn hợp baking soda với nước, sau đó thoa đều lên tóc, để từ 7 – 10 phút. Tuy nhiên không nên sử dụng cách này thường xuyên vì tính tẩy của baking soda khá mạnh sẽ làm tổn thương da đầu của bạn.
- Nấm da đầu: khi bị nấm trên da đầu, nấm sẽ phát triển rất nhanh, làm bong tróc da dầu và tạo vảy cũng rất nhanh, da đầu bị nấm thường đỏ, sẩn, tóc gãy, rụng, khác biệt rõ rệt so với vùng da lành.
Bệnh nấm da đầu có thể được chữa trị bằng thuốc tây để tiêu diệt vi nấm, thuốc đông y hoặc công nghệ chiếu laser vi điểm.
- Bệnh vảy nến: khởi điểm của vảy nến là gàu, sau đó là vảy trắng có mủn, da đỏ, sần, ngứa ngáy. Khi bị vảy nến các vùng da khác cũng có thể bị tổn thương, viêm móng tay, chân, xương khớp đau nhức, cần điều trị kịp thời.
Bệnh vảy nến có thể được điều trị bằng thuốc uống kết hợp với công nghệ LCE để loại bỏ các mảng vảy hiệu quả.
3. Dùng sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp
Gàu có thể gây ra bởi dầu gội đầu và phát triển nhanh hơn nếu vẫn tiếp tục sử dụng loại dầu gội đó.
Khi bị gàu, da đầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, bạn cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, lành tính để giảm khả năng gây kích ứng da đầu và giúp điều trị gàu.
4. Thói quen sinh hoạt
- Da đầu bị bẩn: rất nhiều người có thói quen lười tắm gội, cách 2 – 3 bữa, thậm chí là cả tuần không gội đầu. Khi không gội đầu thường xuyên, lớp tế bào chết trên da đầu sẽ tích tụ dày, gây bít lỗ chân lông và tạo ra gàu.
Lười gội đầu gây ra gàu nhưng gội đầu hằng ngày cũng là nguyên nhân gây ra gàu. Gội đầu quá thường xuyên với dầu gội chứa chất tẩy mạnh sẽ làm mất đi lớp Ceramide bảo vệ da đầu, khiến vi khuẩn, nấm ký sinh có điều kiện phát triển, tạo gàu.
Đội nón, mũ, mũ bảo hiểm bị bẩn, tích tụ nhiều vi khuẩn kết hợp với mồ hôi từ cơ thể người khiến da dầu bẩn, dễ bị gàu.
- Để tóc còn ướt khi ngủ: không ít người có thói quen tắm trễ vào buổi tối và lười không sấy khô tóc trước khi đi ngủ nên da đầu bị ẩm ướt, vi khuẩn, nấm ký sinh có điều kiện sinh sôi, phát triển, gây gàu.
Dùng hóa chất, da đầu tiếp xúc nhiều với các hóa chất duỗi, uốn, nhuộm lâu ngày sẽ dễ làm tắc nghẽn chân tóc không sản xuất dầu tự nhiên, khiến da đầu khô và sản sinh ra gàu. Ngoài ra còn gây tình trạng viêm da đầu tạo mảng da sưng tấy, nổi đỏ.
Nguyên nhân gây ra gàu vào mùa đông
- Nguyên nhân:
Thực tế thì mỗi sợi tóc của chúng ta đều được bao bọc, bảo vệ, duy trì độ ẩm, nuôi dưỡng và phát triển tốt hơn là nhờ một lớp biểu bì. Tuy nhiên, khi mùa đông đến, thời tiết hanh khô khiến lớp bảo vệ này trở nên yếu đi, dẫn đến hiện tượng tóc khô xơ và bị gàu.
Lượng nước cung cấp cho tóc không đủ dẫn đến tuần hoàn máu đến nang tóc chậm. Các tế bào chết lúc này tích tụ lại và các tế bào mới cũng tái tạo chậm hơn khiến gàu ngày một nhiều hơn.
- Cách điều trị:
Ngoài việc sử dụng dầu gội trị gàu thì bạn cũng có thể sử dụng hai cách dưới đây để đánh bay gàu vào mùa đông:
Dùng nước cốt chanh: Lấy phần vỏ chanh massage nhẹ nhàng trên đầu từ 5 – 7 phút khi tóc đang ướt, sau đó rửa lại với nước sạch. Thực hiện kiên trì 2 – 3 lần/tuần. Tuy nhiên không nên sử dụng quá thường xuyên bởi axit có trong chanh sẽ làm da đầu bạn bị tổn thương.
Dùng dầu dừa: Dùng dầu dừa thoa nhẹ nhàng lên đầu và massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất thấm vào da đầu, giúp tăng cường độ ẩm làm da bớt gàu hơn.
Nguyên nhân gây ra gàu từng mảng
Gàu từng mảng là tình trạng gặp khá phổ biến, da đầu xuất hiện rất nhiều gàu, đóng thành từng mảng to trên tóc và rơi xuống người. Gàu mảng khiến da đầu trở nên ngứa ngáy hơn và khiến ta kém tự tin khi gặp người khác.
- Nguyên nhân:
Gàu từng mảng được gây ra bởi một số nguyên nhân đã nêu ở trên như do bệnh lý (vảy nến, viêm da tiếp xúc…), do thời tiết, lựa chọn dầu gội không phù hợp, gội đầu sai cách và đặc biệt hơn là quá làm dụng các sản phẩm chăm sóc tóc.
Chẩn đoán và nắm bắt chính xác nguyên nhân thì hạn chế gàu từng mảng là không khó.
- Cách điều trị:
Bạn có thể kết hợp thoa các hỗn hợp như dầu dừa kết hợp với sữa chua, nước cốt chanh kết hợp với bạc hà và sử dụng các loại dầu gội trị gàu để hạn chế tình trạng gàu mảng.
Luôn luôn giữ vệ sinh cho da đầu, gội thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa thức uống có cồn như rượu, bia và giữ tâm trạng thoải mái là những cách giúp bạn phòng ngừa xuất hiện gàu mảng.
Nguyên nhân gây ra gàu và rụng tóc
- Nguyên nhân:
Thông thường các lớp tế bào chết ở ngoài cùng da đầu bị bong ra tạo thành các mảng trắng nhỏ li ti hình thành nên gàu. Đây là cơ chế bình thường của cơ thể. Tuy nhiên nếu tình trạng gàu ngàng càng nhiều và đi kèm với việc ngứa ngáy, rụng tóc bất thường thì có một số nguyên nhân sau đây đã gây ra:
Bệnh viêm da: Có thể bạn đã mắc phải viêm da tiết bã nhờn và viêm da tiếp xúc hoặc bị chấy, rận…
Chăm sóc tóc không đúng cách: Gội đầu quá nhiều lần, sử dụng các sản phẩm nhuộm tóc, hóa chất quá mạnh lên da đầu khiến da đầu bị tổn thương, hình thành gàu và rụng nhiều tóc.
Căng thẳng và môi trường sống: Bạn bị stress kéo dài kèm theo môi trường sống ô nhiễm, thời tiết quá ẩm thấp hoặc hanh khô.
- Cách điều trị:
Dùng dầu dừa: Lấy một ít dầu dừa thoa nhẹ lên tóc, massage nhẹ nhàng từ 15 – 20 phút, sau đó gội đầu lại bằng nước ấm. Kiên trì thực hiện từ 5 – 6 lần/tuần để thấy kết quả gàu và rụng tóc được cải thiện đáng kể.
Dùng nước cốt chanh: Dùng một ít nước cốt chanh thoa lên da đầu và massage nhẹ nhàng khoảng 7 – 10 phút. Bạn sẽ cảm thấy da đầu đỡ ngứa rát hơn và tình trạng gàu cũng sẽ giảm ít hơn.
Bia và lòng đỏ trứng gà: Lòng đỏ trứng gà kết hợp với bia giúp bổ sung dưỡng chất cho tóc giúp tóc luôn chắc khỏe. Lấy lòng đỏ trứng gà và một lượng bia vừa đủ, trộn đều hỗn hợp, thoa lên tóc và massage trong 10 phút. Sau đó gội đầu lại với nước ấm để loại bỏ mùi tanh của trứng gà.
- Các lưu ý khi bị gàu:
Gàu là một tình trạng da liễu, biểu hiện ra bên ngoài và không để lại biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, gàu thường sẽ đi kèm với các biểu hiện như ngứa ngáy, khó chịu, gây tâm lý không thoải mái cho người đang gặp tình trạng này.
Gàu có thể tự hết mà không cần đến sự thăm khám của bác sĩ. Nhưng trong một số trường hợp gàu xuất hiện kèm theo các triệu chứng chất thường như chảy dịch, rớm máu, xước da đầu khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập thì bạn hãy lập tức đến bác sĩ chữa trị sớm nhất có thể.
Các phương pháp điều trị gàu
- Dùng dầu gội phù hợp
Hãy lựa chọn các loại dầu gội có chứa một trong các thành phần sau để tình trạng gàu được kiểm soát tốt nhất có thể:
Dầu gội chứa kẽm pyrithione: chứa chất kháng khuẩn và kháng nấm kẽm pyrithione.
Dầu gội đầu có chứa Axit Salicylic: Axit Salicylic sẽ giúp loại bỏ tế bào chết tích tụ trên da đầu, nguyên nhân gây nên tình trạng gàu của chúng ta.
Dầu gội Selenium sulfide: dầu gội chứa Selenium Sulfide sẽ giúp chống nấm hiệu quả. Tuy nhiên cần có sự hướng dẫn của bác sĩ bởi có thể khiến tóc bạn đổi màu nếu sử dụng sai cách.
Dầu gội Fluocinolone: những sản phẩm này có chứa corticosteroid giúp kiểm soát ngứa, bong da và kích ứng .
Nếu bạn gội một loại dầu gội trong một thời gian dài và cảm nhận dường như không còn tác dụng, hãy kết hợp sử dụng xen kẽ hai loại dầu gội. Khi tình trạng gàu đã giảm, hãy giảm tần suất sử dụng để duy trì.
- Hạn chế sự căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Nó thậm chí có thể giúp kích hoạt gàu hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có.
Hãy kiểm soát căng thẳng thật tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh và tránh các bệnh về sức khỏe tinh thần và hạn chế được tình trạng gàu khó chịu.
- Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cung cấp đủ kẽm, vitamin B và một số loại chất béo có thể giúp ngăn ngừa gàu.
- Xây dựng thói quen chăm sóc tóc và da đầu phù hợp với bạn
Nếu da đầu bạn là da dầu nhờn, hãy gội đầu hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa gàu. Nhẹ nhàng xoa bóp và massage để vừa giúp thư giãn vừa làm sạch bụi bẩn và tế bào chết trên da đầu.
Nếu da đầu của bạn khá nhạy cảm và tình trạng tóc khô, bạn nên gội đầu ít hơn và thêm các chất dưỡng sau mỗi lần gội.
- Hạn chế các sản phẩm tạo kiểu tóc
Các sản phẩm tạo kiểu tóc có thể tích tụ trên tóc và da đầu của bạn, khiến chúng trở nên nhờn hơn. Hơn nữa các hóa chất trong các sản phẩm nhuộm và uốn tóc khiến da đầu của bạn bị tổn thương, từ đó làm tình trạng gàu sẽ xuất hiện hoặc trầm trọng hơn gàu hiện có.
Lưu ý: Gàu không phải là tình trạng bệnh nghiêm trọng và hoàn toàn có thể chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, nếu các phương pháp tự chữa tại nhà không có hiệu quả đối với bạn và một số các triệu chứng khác xuất hiện như xước da đầu, chảy máu, rụng tóc bất thường thì bạn nên đếm thăm khám và chữa trị với bác sĩ.