BÚT KÝ CỦA HOÀNG TIẾN THẮNG
KÝ ỨC THÁNG TÁM
Những cơn gió mùa Thu thật dễ chịu, không chỉ mát lành mà còn mang theo hương thơm dịu nhẹ từ những quả chín vàng trên cây thị cổ thụ phía cổng làng. Năm nào cũng vậy, tháng tám về hương thị lại bay trong gió, gợi nhớ bao kỷ niệm!
Nửa thế kỷ trước, thị xã Phú Thọ nơi gia đình tôi sinh sống hạ tầng cơ sở còn nghèo lắm, đặc biệt là khâu nước sạch. Mặc dù nơi đây từng có một “Nhà máy nước” được xây dựng trên nền đất ngôi chùa cổ bên bờ sông Thao, nhưng nó đã chết lâm sàng từ những năm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Ngay cả khi mới đưa vào hoạt động thì công suất của “Nhà máy nước” cũng vô cùng khiêm tốn. Kể từ ngày đó đến nhiều năm sau, hầu hết người dân thị xã sử dụng nước giếng khơi để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, quỹ đất trong nội thị rất eo hẹp không dễ gì cho mỗi gia đình sở hữu một cái giếng. Ở nhiều khu dân cư các hộ gia đình thường phải sử dụng chung những giếng nước công cộng kiểu như giếng làng.
Ngày nhỏ mẹ từng kể câu chuyện “sự tích 99 giếng nước” trên vùng đất thị xã xưa đầy màu sắc huyền thoại. Những cái tên giếng bình dị gần gũi vô cùng: “Giếng Ngõ”, giếng “Cóc, giếng “Đa”, giếng “Thánh” … tất cả từng ăn sâu trong ký ức bao thế hệ người Phú Thọ. Nhà tôi ở gần chợ Mè khu vực trung tâm thị xã rất chật chội không có nổi một khoảng sân nhỏ để đào giếng, hàng ngày phải lấy nước sinh hoạt từ một chiếc giếng công cộng cách nhà khoảng 400m.
Đầu năm 1980 tôi về nhận công tác tại tỉnh nhà rồi cưới vợ. Hai chúng tôi học cùng khóa, sau khi tốt nghiệp cô ấy không ngần ngại rời Hà Nội về làm dâu quê chồng. Là một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có vóc dáng mảnh mai, từ nhỏ đến lúc đi lấy chồng chưa hề biết đến những công việc nặng nhọc là gì. Thời sinh viên cô ấy sở hữu chỉ số cân đo khá khiêm tốn “cao 1m58, nặng 39 kg vòng hai 60 cm”. Thời gian mới về nhà chồng, vợ tôi phải đối diện với vô vàn khó khăn để thích nghi và hòa nhập. Ngày đó, sau khi tốt nghiệp nếu theo sự phân công của nhà trường, hai vợ chồng tôi sẽ phải chịu cảnh “chồng Bắc vợ Nam” mà điều này thì chúng tôi không hề muốn. Lúc này bố và mẹ tôi tuổi cao sức yếu nên công việc nặng nhọc như gánh nước từ giếng về nhà thường do tôi đảm nhận. Những năm tháng chiến tranh khi tôi ở ngoài mặt trận cũng như thời gian tôi đi học xa nhà, các cụ ở nhà thường có các cháu trong họ và thanh niên phố xóm đến giúp đỡ. Nhưng nay thì khác, tôi đã lấy vợ, bố mẹ tôi đã có con dâu …
Việc lo dăm bẩy gánh nước từ giếng về nhà với tôi là chuyện bình thường, nhưng khổ nỗi cơ quan ở cách nhà mấy chục cây số không thể hôm nào cũng ở nhà gánh nước được. Những ngày tôi vắng nhà có lẽ điều khiến vợ tôi lo lắng nhất vẫn là “việc nước” ở nhà. Với những người quen việc, gánh nước là chuyện nhỏ, nhưng vợ tôi thì khác. Sẽ không dễ với những ai chưa từng gánh nước sử dụng chiếc đòn tre, đôi móc sắt gồng gánh hai thùng nước khá nặng. Có lần thấy tôi gánh nước về nhà, cô ấy ghé vai vào chiếc đòn gánh định nhấc lên thử, nhưng chưa đi được bước nào đã loạng choạng suýt ngã, may mà có chồng đứng bên đỡ vội. Nhìn vẻ mặt hơi buồn của vợ lúc đó, tôi lựa lời động viên: “Không vội được đâu, phải làm quen dần em à, ngày xưa anh tập mãi mới gánh được đấy”. Cố ấy nhìn tôi tự tin nói: “Em cũng sẽ làm được”.
Khoảng giữa mùa Hè năm 1980. Để chuẩn bị tiết mục cho các Đoàn văn công của tỉnh tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tôi được phân công xuống đoàn Chèo tham gia ê kíp dựng vở “Hận Thành Loa”. Công việc của họa sĩ sân khấu tỉnh lẻ không chỉ bận rộn mà còn khá phức tạp. Họa sĩ Thiết kế mỹ thuật phải đọc kịch bản lên ma két vở diễn rồi trực tiếp cầm bút thực hiện cảnh trí phông màn, bồi nắn đạo cụ…
Lần ấy có lẽ phải đến hơn hai tháng tôi mới đươc về thăm gia đình. Những ngày xa nhà điều khiến tôi cảm thấy không yên tâm chính là việc “nước” ở nhà. Sau đêm tổng duyệt vở mới, sáng hôm sau tôi dậy khá sớm để đạp xe về nhà. Vợ chồng trẻ mới cưới phải xa nhau 2 tháng cảm thấy như hàng thế kỷ, còn một lý do nữa sắp đến sinh nhật của vợ 20/8. Tôi chạy sang phòng bên chào các anh trong ê kíp dựng vở: Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh, Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và Biên đạo múa Hồ Ngọc Cẩn. Anh Hà Quang Sơn thay mặt nhóm họa sĩ thực hiện, trang phục ở Hà Nội đưa cho tôi gói quà bảo: “Bọn anh gửi tặng vợ chú miếng vải làm quà sinh nhật”. Thời bao cấp tem phiếu có được miếng vải may quần áo là quá ổn. Tôi cảm ơn các anh.
Vừa đạp xe về đến đầu phố, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy cô vợ mảnh mai đang bước thấp bước cao chiến đấu với 2 thùng nước đung đưa như làm xiếc. Đặt vội chiếc xe đạp xuống vỉa hè, tôi chạy lại đón vợ. Thương quá, không biết mồ hôi hay nước giếng bắn lên làm cho những sợi tóc bết trên trán trên má người vợ trẻ, hai ống quần xắn cao cũng ướt sũng. Chỉ là gánh nước thôi, mà tập trung đến mức khi tôi đến tận nơi đặt bàn tay lên chiếc đòn gánh cô ấy mới ngẩng lên và nhận ra chồng. Không có vẻ gì là mệt mỏi, cô ấy cười rất tươi: “Ơ, anh về lúc nào …? Anh biết không, ngày nào em cũng tập mà hơn hai tháng rồi vẫn chưa gánh đầy được 2 thùng nước, nhưng em sẽ làm được như mọi người ở đây”. Tôi đỡ gánh nước cho vợ rồi cùng rảo bước về nhà. Vợ tôi tâm sự: “ Những ngày đầu em chỉ có thể gánh mỗi bên một gầu nước, hàng xóm ai nhìn thấy cũng cười nhưng em không nản và cố gắng đi làm nhiều chuyến. Dần dần tăng lên mỗi bên hai rồi ba gầu nước mãi đến hôm nay cũng được gần đầy thùng… Eo ôi tháng trước mỗi lần nhấc đòn gánh lên là vai rát ơi là rát rồi cũng quen. Ngại nhất là mấy chị em trong khu phố nhìn em tập gánh nước với ánh mắt lạ lắm, nhưng kệ họ nghĩ gì cũng mặc việc mình mình làm”. Thực sự trong thâm tâm tôi cũng từng có ý định khi nào nghỉ phép sẽ giúp vợ dần làm quen với việc gánh nước, thế mà cô ấy tài thật.
Buổi tôi hôm đó hai vợ chồng đi dạo trên con đường bên sông Thao, vợ tôi thủ thỉ: “Thật lòng em sợ gánh nước lắm, không hẳn vì nó nặng nhọc. Chỉ là từng này tuổi đầu mới tập gánh từng gầu nước như trò trẻ con thật ngại quá, nhưng em thương mẹ!”. Tôi rất hiểu tính mẹ mình, bà rất thương cô con dâu ngoan hiền, chịu thương chịu khó đấy nhưng việc gánh nước quá lạ lẫm với một cô gái Hà Nội từ nhỏ chưa làm bao giờ. Mẹ tôi lúc đó tuy đã cao tuổi nhưng cụ quen những việc này từ lúc trẻ nên thường tranh làm đỡ con dâu. Những ngày đầu vợ tôi tập gánh nước mẹ bảo: “Việc gánh nước không khó lắm nhưng phải quen, con chưa làm được đâu, cứ để mẹ gánh”. Nhưng vợ tôi vẫn quyết tâm không chịu bỏ cuộc. Chả thế mà bà tâm sự với bố tôi: “ Con bé chịu thương chịu khó được thế này chứng tỏ nó rất yêu chồng”
Nghe vợ tâm sự, không hiểu sao tôi lại có cảm giác cay cay nơi sống mũi… Thương lắm, cảm phục nghị lực của người vợ trẻ mảnh mai chưa quen lao động nặng nhọc bao giờ. Đi lấy chồng nơi đất khách quê người cái gì cũng lạ lẫm, vậy mà cô ấy không ngại ngùng tập gánh từng gầu nước đến từng gánh nước để được như mọi người. Nhưng có lẽ điều khiến tôi cảm phục hơn cả, chính là sự dũng cảm vượt qua chính mình. Vợ tôi biết gạt bỏ những lời đàm tiếu, những ánh mắt diễu cợt của một số người thiếu thiện chí để thích ứng, hòa nhập với cuộc sống thực tại.
Thấm thoát gần nửa thế kỷ trôi qua, thời gian và tuổi tác có thể khiến tôi quên đi rất nhiều điều, nhưng ký ức về người vợ trẻ tập gánh nước ngày ấy chắc chắn sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Bầu trời đêm tháng tám dịu mát, những cơn gió vẫn chăm chỉ mang hương quả thị trong chuyện cổ tích đi khắp nơi. Có lẽ không chỉ ở trong chuyện cổ tích mà hôm nay ở giữa cuộc đời vẫn có những cô Tấm dung dị bước ra từ “quả thị” theo cách của riêng mình.
Hoàng Tiến Thắng