Hẳn là mẹ đã nghe qua rất nhiều về cụm từ “ở cữ” ngay từ lúc mang thai. Vậy ở cữ hay kiêng cữ sau khi sinh là gì? Bà mẹ sau sinh cần kiêng những gì, vì thế sau mỗi cuộc sinh nở, cơ thể mẹ bầu sẽ yếu đi rất nhiều. Vì vậy, sau khi sinh con mẹ cần nghỉ ngơi nhiều cũng như lưu ý nên kiêng cữ một số thứ để cơ thể nhanh hồi phục sau quá trình vượt cạn. Khoảng thời gian đó được gọi là thời gian ở cữ.
Nhiều mẹ bầu chưa có kinh nghiệm có thể cảm thấy áp lực khi nhận được quá nhiều những lời khuyên từ gia đình, bạn bè xung quanh về những điều cần làm và cần tránh trong thời gian ở cữ. Mẹ bầu nên chọn lọc thông tin như thế nào? Huggies sẽ hướng dẫn mẹ ở cử đúng cách và khoa học qua bài viết sau nhé!
Vì sao mẹ cần ở kiêng sau sinh?
Sau khi sinh, cơ thể mẹ cần thời gian phục hồi những tổn thương mà quá trình mang thai và sinh con để lại. Bất kể là mẹ sinh thường hay sinh mổ, sinh con đầu lòng hay con sau, và sinh ở bất kỳ độ tuổi nào thì mẹ sau sinh cũng đều nên ở cữ. Hậu quả của việc không kiêng cữ sau sinh cẩn thận sẽ khiến mẹ dễ bị nhiều di chứng như đau lưng hay đau vết mổ khi trở trời đối với mẹ sinh mổ.
Thời gian kiêng sau sinh là bao lâu?
Theo quan niệm của người xưa, mẹ sau sinh cần ở cữ đủ 100 ngày (3 tháng 10 ngày) với những quy định nghiêm ngặt như phải ở trong phòng kín, không tắm rửa, không nói chuyện với người lạ, vì nếu không kiêng cữ thì mẹ dễ bị ốm, đau nhức xương khớp, đau đầu.
Những quan niệm kiêng sau sinh theo dân gian này chưa hoàn toàn đúng và có những quan niệm phản khoa học có thể ảnh đến sức khỏe của cả mẹ, con. Theo các bác sĩ sản khoa, thời gian ở cữ khoa học sau sinh của mẹ bầu tốt nhất là nên trong vòng 30 ngày sau khi sinh. Thậm chí nếu mẹ sinh con trong ngày hè thì sau khoảng 1 ngày là mẹ đã có thể lau người cho sạch sẽ và thoải mái, và sau 3 ngày có thể tắm trợ lại.
Mẹ sau sinh nên ăn gì?
Trong thời gian ở cữ mẹ cần ăn uống đầy đủ để có đủ sữa cho con bú. Khi mẹ ăn khẩu phần ít hơn so với nhu cầu thì một số chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ thay đổi, chẳng hạn như tỷ lệ axit béo hoặc một số vi chất dinh dưỡng khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ không cần ăn quá nhiều mà cần phải chú ý ăn đủ chất, đủ lượng, và kết hợp nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn.
Thực đơn ở cữ của mẹ cần phải cân đối các nhóm chất quan trọng như protein, chất béo, tinh bột, chất xơ và các nguyên tố vi lượng. Ngoài ra, mẹ nên kết hợp đa dạng các loại thực phẩm để nâng cao chất lượng khẩu phần ăn.
Các loại thức ăn tốt cho mẹ trong thời gian kiêng cữ:
- Gạo lứt: Hầu hết các mẹ sau sinh đều muốn giảm cân nhanh bằng cách cắt giảm lượng tinh bột trong khẩu phần. Tuy nhiên, giảm cân quá nhanh sẽ khiến quá trình tiết sữa bị giảm. Thay vì cắt giảm tinh bột, trong giai đoạn này mẹ có thể chuyển sang ăn tinh bột nguyên hạt như gạo nâu và gạo lứt để đảm bảo mức năng lượng cần thiết theo khuyến nghị của bác sĩ. Các loại thực phẩm như gạo lứt có thể cung cấp cho mẹ lượng calo cần thiết để tạo ra sữa chất lượng tốt nhất cho bé và ít gây tăng cân.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp bổ sung các vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mẹ và bé.
- Bánh mì nguyên cám: Bánh mì nguyên cám cung cấp một lượng lớn axit folic, chất xơ và sắt lành mạnh. Axit folic rất quan trọng trong sự phát triển của bé trong giai đoạn đầu của thai kỳ và còn là một chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ để giúp bé phát triển sức đề kháng tốt.
- Cá hồi: Cá hồi có chứa hàm lượng DHA rất phong phú và quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của bé. Hàm lượng DHA trong sữa mẹ không cao, nhưng nếu mẹ ăn cá hồi thì hàm lượng này sẽ tăng lên. Các nghiên cứu còn cho thấy DHA đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tâm trạng của mẹ, ngăn ngừa trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, mẹ đang cho con bú chỉ nên ăn khoảng 360 gram cá hồi mỗi tuần để tránh hấp thu nhiều thủy ngân trong cá.
- Sữa ít béo: Sữa là một phần quan trọng đối với mẹ sau sinh cũng như mẹ đang cho con bú. Sữa cung cấp một lượng vitamin D giúp tăng cường sức mạnh của xương. Ngoài ra, nó còn cung cấp protein và vitamin B, cùng với nguồn canxi phong phú. Mẹ uống sữa khi cho con bú sẽ cung cấp thêm canxi giúp cho xương của bé phát triển. Vì vậy, mẹ cần cung cấp đủ canxi để đáp ứng cả nhu cầu của mẹ và bé nhé.
- Thịt bò nạc: Thịt bò nạc không những tăng cường năng lượng cho mẹ mà còn là thực phẩm cung cấp chất sắt đáp ứng nhu cầu cần thiết theo khuyến nghị của bác sĩ. Thiếu sắt có thể làm mẹ cạn kiệt năng lượng và không đáp ứng được nhu cầu sắt cho bé. Ngoài ra, thịt bò nạc còn là nguồn cung cấp protein và vitamin B12 cần thiết cho mẹ đang cho con bú.
- Cây họ đậu: Đậu là loại thực phẩm giàu chất sắt, đặc biệt là những loại có màu sẫm như đậu đen và các loại đậu bầu dục. Đây là nguồn protein thực vật tốt, phù hợp cho khẩu phần của bà mẹ cho con bú và cả những mẹ ăn chay.
- Quả việt quất: Quả việt quất là loại quả mọng chứa nhiều vitamin và khoáng chất lành mạnh cho bà mẹ sau sinh. Ngoài ra, loại quả này còn cung cấp cho một lượng carbohydrate để giúp mẹ giữ mức năng lượng cao.
- Trái cam: Đây là loại thực phẩm tiện lợi và bổ dưỡng. Cam không những giúp mẹ sau sinh tăng cường năng lượng mà nó còn cung cấp lượng vitamin C phong phú đáp ứng nhu cầu đề kháng của cả mẹ và bé.
- Trứng: Trứng là loại thực phẩm linh hoạt đáp ứng nhu cầu protein hàng ngày. Ngoài ra, nó còn được coi là có hàm lượng protein hoàn hảo với hầu hết các acid amin mà cơ thể không tự tổng hợp được. Trứng không những chứa một lượng vitamin và khoáng chất mà còn có hàm lượng choline khá dồi dào. Vì thế, trứng là thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn của mẹ sau sinh bởi nó đáp ứng đủ những chất cần thiết theo nhu cầu khuyến nghị.
- Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như rau bina, củ cải, bông cải xanh có chứa hàm lượng vitamin A cao – là loại vitamin rất tốt cho cả mẹ và bé. Những lợi ích của chúng không dừng ở đó. Chúng còn là thực phẩm có hàm lượng canxi, vitamin C và sắt tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, các loại rau lá xanh chứa cả chất chống oxy hóa tốt cho tim và ít calo.
- Nước: Nước giúp cho quá trình duy trì năng lượng cũng như khả năng sản xuất sữa của mẹ. Sau sinh, mẹ nên uống từ 8 – 10 ly/ngày. Các thức uống mẹ nên sử dụng là: nước lọc, nước trái cây hay sữa. Mẹ hãy uống nước thường xuyên, không nên chờ có cảm giác khát mới uống nhé. Việc uống đủ nước giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi hơn, hạn chế táo bón sau sinh.
Bên cạnh đó, mẹ nên thêm vào khẩu phần của mình những thực phẩm theo mùa. Mẹ cũng cần chú ý nên chọn những thực phẩm dễ tiêu và sử dụng đồ ăn khi còn nóng ấm, mẹ nhé.
Các loại thức ăn mẹ ở cữ cần tránh:
- Thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, có mùi (bạc hà, cá tanh, rau mùi,…): Các thực phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ.
- Thực phẩm có cafein: Mẹ có thói quen uống cafe trong thời gian cho con bú có thể làm bé bị kích thích, mất ngủ.
- Thực phẩm sống, lên men: Mẹ cần hạn chế đồ ăn chua, lạnh, không nên ăn thức ăn lên men như dưa cà muối hay thức ăn để qua đêm vì dễ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm ký sinh trùng gây bệnh.
- Thức ăn mặn: Ngày trước mẹ bầu thường được khuyên nên ăn thức ăn khô và mặn như thịt kho, cá kho mặn và kiêng ăn canh, ăn rau… Thực tế như thế lại không hề tốt. Những món như thịt kho, cá kho khô rất tốt nhưng không được kho mặn vì dễ khiến mẹ bị tăng huyết áp, ảnh hưởng đến thận.
- Hải sản: Hải sản là nguồn protein, axit béo và omega-3 khá phong phú. Tuy nhiên, hầu hết các hải sản có chứa thủy ngân và các chất gây ô nhiễm. Tiếp xúc với thủy ngân quá mức qua sữa có thể gây nguy cơ cho hệ thần kinh đang phát triển của bé. Vì vậy, mẹ nên tránh các loại hải sản chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá thu, cá ngòi.
- Thức ăn nhiều dầu mỡ: Các thức ăn này khó tiêu hóa, chứa chất béo không tốt.
- Rượu: Nếu mẹ uống rượu, nên tránh cho con bú cho đến khi rượu đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi sữa mẹ. Chẳng hạn, mẹ uống 355ml bia nồng độ cồn 5% cần 2-3 giờ để làm sạch hoàn toàn cồn có trong sữa, hoặc 148ml rượu có nồng độ cồn là 11% cũng cần khoảng 2-3 giờ để làm sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể của mẹ.
- Bơ: Chế phẩm từ sữa như bơ có thể làm dạ dày của bé khi bú trực tiếp bị khó chịu, khó tiêu hóa.
- Cải đắng, cải bẹ xanh: Nếu ăn rau, mẹ nên tránh xa rau cải bẹ xanh, cải đắng vì chúng có thể khiến mẹ bị tiểu són sau sinh.
- Rau muống, gạo nếp, thịt bò, lòng trắng trứng: Sau sinh mổ, mẹ cần tránh nhóm thực phẩm này để tránh gây mủ, sẹo lồi ở vết mổ.