Rau củ muối chua, đặc biệt là cải chua hay dưa muối là món ăn khoái khẩu của nhiều mẹ bầu. Thế nhưng, bà bầu ăn rau củ muối chua liệu có tốt?
Thèm ăn thường xuyên là tình trạng rất thường gặp trong thai kỳ, nhất là những món chua chua, ngọt ngọt như cải chua hay rau củ muối. Bà bầu ăn dưa cải chua được không? Bà bầu ăn củ cải muối được không? Bà bầu có được ăn rau sắn muối chua? Đây là đều là những thắc mắc rất thường gặp bởi rau củ muối chua là món ăn rất được yêu thích trong ẩm thực Việt. Nếu bạn cũng yêu thích món ăn này và cũng có cùng băn khoăn, hãy tìm lời giải đáp qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi.
Có bầu ăn cải chua và rau củ muối chua được không?
Cải chua, rau củ muối chua là thực phẩm được các bà bầu yêu thích. Một số bà bầu chỉ thèm món ăn này ở những tháng nhất định, trong khi một số khác thì lúc nào cũng thèm. Do đó, đừng quá lo lắng khi bỗng nhiên bạn cảm thấy mình thèm cải chua quá mức.
Nếu bà bầu ăn dưa muối vừa phải và bản thân không bị dị ứng thì sẽ không gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí món ăn này còn mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định. Bởi cải chua hay rau củ muối chua dù chứa ít dinh dưỡng nhưng lại có nhiều vitamin C, natri và kali. Ngoài ra, món ăn này cũng không có chứa protein, chất béo hay cholesterol.
Bà bầu ăn rau củ muối chua và 5 lợi ích bất ngờ
1. Cân bằng điện giải
Kali và natri là hai chất điện giải quan trọng trong cơ thể, giúp duy trì hiệu điện thế giữa các màng tế bào và cân bằng nước. Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ cần nhiều chất điện giải hơn để đáp ứng nhu cầu của thai nhi đang phát triển. Rau củ muối chua có chứa nhiều kali và natri. Do đó, bà bầu ăn rau củ muối chua có thể giúp bổ sung kali và natri cho cơ thể.
2. Không có cholesterol và chất béo
Các loại rau củ muối chua thường không chứa cholesterol và chất béo. Vì vậy, món ăn này không gây tăng cân. Hãy chọn những sản phẩm rau củ muối chua không đường để duy trì một lượng calorie thấp.
3. Bà bầu ăn rau củ muối chua có thể hỗ trợ tiêu hóa
Rau củ muối chua có thể giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường chức năng miễn dịch. Trong rau củ muối chua thường có chứa các loại vi khuẩn có lợi. Vì thế, bà bầu ăn rau củ muối chua có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa.
4. Giàu chất chống oxy hóa
Các loại rau củ muối chua thường chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do.
5. Giàu vitamin và khoáng chất
Ngoài những lợi ích sức khỏe trên, rau củ muối chua còn là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, C, K, canxi, sắt và kali. Những chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật trong suốt thai kỳ.Dù rau củ muối chua có thể đem đến một vài lợi ích về sức khỏe nhưng bà bầu đừng ăn quá nhiều bởi:
1. Bà bầu ăn rau củ muối chua có thể bị mất nước
Rau củ muối chua có thể làm tăng nồng độ natri trong cơ thể, dẫn đến mất nước. Nếu dùng món ăn này, bạn nên chú ý đến việc bổ sung nước và chất lỏng để đảm bảo cân bằng natri trong cơ thể.
2. Rau củ muối chua có thể gây ra các vấn đề về dạ dày
Nếu bạn đã từng mắc phải các bệnh dạ dày trước khi mang thai thì tốt nhất bạn nên tránh xa món ăn này vì rau củ muối chua có thể gây đầy hơi và các vấn đề dạ dày khác. Ngoài ra, nó cũng có thể gây bệnh lỵ và rối loạn tiêu hóa nếu bà bầu ăn quá nhiều.
3. Bà bầu ăn rau củ muối chua có thể bị ợ nóng
Một trong những vấn đề đau đầu nhất mà phụ nữ mang thai phải trải qua là chứng ợ nóng. Dưa chua có tính axit cao nên có thể khiến triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Tăng nồng độ natri
Một số loại rau củ muối chua có hàm lượng natri cực cao, có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 tại Mỹ đã khẳng định rằng tiêu thụ quá nhiều natri trong thời gian mang thai có thể làm ảnh hưởng đến thận của thai nhi. Ngoài ra, nó còn khiến bé dễ bị cao huyết áp khi trưởng thành.
5. Bà bầu ăn rau củ muối chua có thể bị tăng huyết áp
Rau củ muối chua thường có chứa nhiều muối. Do đó, nếu bạn dễ bị tăng huyết áp trong thai kỳ thì món ăn này rất không tốt cho bạn. Ăn quá nhiều có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến các biến chứng không mong muốn như co giật, tổn thương thận, làm hỏng mạch máu, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé.