Góc sức khỏe

9 nguyên nhân thường ngày dẫn đến căn bệnh dạ dày

Đau dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công việc của người bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra những cơn đau dạ dày của bạn.

9 nguyên nhân thường ngày dẫn đến căn bệnh dạ dày

1. Ăn uống không đúng giờ

Dạ dày là một cơ quan có “thời gian biểu” rất chặt chẽ. Trong một ngày, sự bài tiết dịch vị của dạ dày có khi nhiều khi ít mang tính chu kỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa thức ăn kịp thời. Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Nếu lúc này không ăn, lượng acid sản sinh sẽ “phản lại” chính chủ nhân, từ đó gây viêm loét dạ dày. Bởi vậy, nếu bỏ bữa hay ăn uống không đúng giờ giấc sẽ làm tăng nguy cơ đau dạ dày, viêm loét dạ dày…

2. Ăn quá nhanh, không nhai kỹ

Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày.

Vì vậy, bạn nên tạo cho mình thói quen ăn từ từ nhằm tăng sự tiết nước bọt, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.

3. Uống nhiều rượu, bia

Rượu bia được xem là các loại đồ uống hàng đầu gây ra bệnh lý về tiêu hóa và tổn hại sức khỏe. Hầu hết các chất có trong rượu bia đều khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương dần dần dẫn đến khả năng bị viêm loét dạ dày hay nặng hơn là chảy máu hoặc thủng dạ dày nếu không được điều trị kịp thời.

4. Ăn uống không vệ sinh

Việc ăn uống không vệ sinh rất dễ khiến bạn mắc các căn bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn… Đặc biệt, trong mùa hè nóng nực, khi các loại vi khuẩn phát triển sinh sôi một cách nhanh chóng, thực phẩm rất đễ biến chất, việc ăn uống các loại thực phẩm không tươi mới sẽ khiến bạn càng dễ mắc những căn bệnh này

Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh dạ dày mạn tính, lây nhiễm qua đường ăn uống không vệ sinh. Helicobacter pylori ký sinh trong niêm mạc dạ dày và tá tràng, gây viêm niêm mạc, dẫn đến các căn bệnh dạ dày. Nó cũng tồn tại trong khoang miệng và nước bọt của người mắc bệnh. Do đó, không ăn uống chung đụng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm loại vi khuần này. Đặc biệt, điều này càng phải được chú trọng hơn, nếu trong nhà bạn có người mắc bệnh viêm loét dạ dày.

5. Ăn quá nhiều vào buổi tối

Nhiều người có thói quen bỏ bữa sáng, ăn bữa trưa qua loa, để rồi đến bữa tối lại ăn thật nhiều hoặc trước khi ngủ còn ăn đêm sẽ gây hại cho dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Ăn quá nhiều vào bữa tối hoặc bữa đêm sẽ gây đầy bụng, dạ dày quá tải, dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây hại niêm mạc dạ dày, lâu dần dẫn đến viêm loét. Hơn nữa, ăn quá nhiều vào bữa tối còn làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn giấc ngủ. 

6. Căng thẳng thần kinh

Sự phát sinh và phát triển của không ít các căn bệnh dạ dày có liên quan chặt chẽ với tâm trạng và tinh thần chúng ta. Thần kinh bị căng thẳng, phiền não hay tức giận sẽ tác động đến chức năng bài tiết, vận động và tiêu hóa của dạ dày. Do đó, người trầm cảm, hay lo lắng hoặc bị tổn thương tinh thần lâu ngày sẽ dễ mắc bệnh loét dạ dày.

7. Hút thuốc lá

Thuốc lá không những gây hại cho hệ hô hấp mà còn làm hại đến dạ dày. Người hút thuốc lá thường xuyên dễ mắc bệnh viêm dạ dày. Nicotin có trong thuốc lá sẽ làm hại niêm mạc dạ dày do kích thích co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp máu cho niêm mạc dạ dày, ức chế sự tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ, phục hồi niêm mạc dạ dày, thúc đẩy sự bài tiết acid và pepsin trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày.

8. Lạm dụng thuốc

Rất nhiều loại thuốc có thể gây cho hại niêm mạc dạ dày. Ví dụ, các loại thuốc chống viêm không steroid như phenylbutazone, ibuprofen, indomethacin, aspirin đều tạo tác dụng giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết có chứa corticosteroid cũng thường gây viêm, loét hoặc thủng dạ dày. Do đó, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.

9. Để cơ thể nhiễm lạnh

Dạ dày là cơ quan rất mẫn cảm với khí hậu và nhiệt độ bên ngoài. Thói quen tắm muộn hoặc ăn mặc phong phanh khiến cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ khiến dạ dày co thắt, gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn…

Các Triệu chứng thường thấy ở bệnh Viêm loét dạ dày

  • Đau bụng vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu chính của bệnh, cơn đau thường kéo dài âm ỉ hoặc kéo dài từng cơn đi kèm cảm giác bỏng rát. Cơn đau xuất hiện vào lúc đói hoặc vào ban đêm có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
  • Ợ hơi, ợ chua, ợ rát, buồn nôn, cảm giác khó chịu ở dạ dày.
  • Mất ngủ, ngủ chập chờn, gián đoạn, chủ yếu do nguyên nhân viêm loét dạ dày gây đau.
  • Rối loạn tiêu hóa: ỉa chảy, táo bón do việc tiêu hóa không ổn định.

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ

CÓ THỂ BẢN QUAN TÂM
Close
Back to top button